Chi tiết bài viết
Theo thống kê sơ bộ, trong 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu nhựa của nước ta đạt 268,5 nghìn tấn, trị giá 276,5 triệu USD, giảm 1,9% về lượng và giảm 12,5% về trị giá so với năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của nước ta đạt 801,5 triệu USD, giảm 0,8% so với quý 1 năm 2019.
1. Phương thức vận tải
Khoảng 90,2% giá trị nhựa và sản phẩm nhựa của Việt Nam được xuất khẩu bằng đường biển trong 3 tháng năm 2020, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, tới các thị trường như: Nhật Bản, Mỹ, Inđônêsia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Đức, Anh, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Bănglađet, Malaysia, Ôxtrâylia, Myanma, Hồng Kông (Trung Quốc), Canađa, Pháp.
Xuất khẩu mặt hàng này bằng đường hàng không giảm 50,3% chiếm tỷ trọng 0,1%, được sử dụng trong xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Inđônêsia, Hồng Kông (Trung Quốc), Hà Lan, Braxin, Thái Lan, Áo, Ôxtrâylia, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Myanma, Singapore, Anh, Đức, Malaysia.
Ngoài ra, sản phẩm nhựa được xuất khẩu thông qua đường bộ chiếm 0,7% nhưng tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
2. Phương thức giao hàng
Trong 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nhựa và sản phẩm từ nhựa sử dụng phương thức giao hàng FOB chiếm tỷ trọng lớn nhất về trị giá (chiếm 44,1%), giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2019 đạt 353,5 triệu USD; sử dụng cho xuất khẩu tới các thị trường chính như: Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Hà Lan, Hàn Quốc, Inđônêsia, Ôxtrâylia, Ấn Độ, Canađa, Thái Lan, Trung Quốc, Bỉ, Pháp, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Ba Lan, Nga, Braxin.
Xuất khẩu mặt hàng này sử dụng phương thức CIF cũng giảm 14,2% trong 3 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 24,2%, đạt 194 triệu USD, được sử dụng cho xuất khẩu tới các thị trường: Nhật Bản, Inđônêsia, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Hà Lan, Myanma, Nam Phi, Hồng Kông (Trung Quốc), Ôxtrâylia, Singapore, Rumani.
Tiếp đến là xuất khẩu bằng phương thức EXW, giảm 10,2%, chiếm 10,9% tỷ trọng, dùng cho xuất khẩu sang các thị trường chính: Inđônêsia, Hàn Quốc, Bănglađet, Nhật Bản, Mỹ, Campuchia, Pakixtan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Goatêmala, Malaysia, CH Dominica, Các TVQ Ả Rập .
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước còn xuất khẩu mặt hàng này bằng các phương thức giao hàng khác như: CFR, FCA, DDP, DAP, DAF, CIP, DUU, đạt trên 2,3 triệu USD. Nhìn chung, hầu hết các phương thức đều giảm so với cùng kỳ năm trước; riêng phương thức DAP tăng mạnh 212,1%.
3. Cảng biển, cửa khẩu xuất khẩu
Trong 3 tháng đầu năm 2020, cảng Cát Lái (Tp. Hồ Chí Minh) vận chuyển chiếm tới 32,6% giá trị nhựa và sản phẩm từ nhựa xuất khẩu của nước ta, tương đương 261,3 triệu USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, từ đây xuất khẩu sang các thị trường: Nhật Bản, Inđônêsia, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Ấn Độ, Anh, Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc), Ôxtrâylia, Myanma, Đức, Nam Phi, Pháp, Campuchia.
Giá trị xuất khẩu mặt hàng này qua Tân Cảng Hải Phòng (Tân Cảng Đình Vũ) đứng thứ hai, đạt 71,7 triệu USD, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy cảng này đã góp phần xử lý 9% giá trị nhựa xuất khẩu của cả nước, sang các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Inđônêsia, Mỹ, Bănglađet, Myanma, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Pháp, Italia, Iran, Ấn Độ, Hy Lạp, Hồng Kông (Trung Quốc), Anh.
Xem thêm: Doanh nghiệp logistics lo giảm một nửa doanh thu vì Covid-19
Đứng thứ ba Cảng Nam Hải đạt 53,2 triệu USD, chiếm 6,6% về giá trị, tăng 5,2% so cùng kỳ năm ngoái; từ đây xuất sang các thị trường như: Inđônêsia, Nhật Bản, Mỹ, Bănglađet, Singapore, Ba Lan, Anh, Malaysia, Trung Quốc, Myanma, Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Ôxtrâylia, Braxin, Tây Ban Nha, Bỉ, Ấn Độ, Pháp.
Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu sang đa số giảm thì xuất khẩu qua Cảng Cái Mép - TCIT (Tp Vũng Tàu) tăng khá mạnh 71,9% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 44 triệu USD.
4. Một số thông tin liên quan
Nhu cầu chai PET toàn cầu báo hiệu sự cải thiện
Giá chai PET tại các thị trường lớn đã tăng trong tháng 4/2020 sau khi giảm đáng kể giá chào xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008/2009. Mặc dù một số thị trường bao gồm Châu Á, Địa Trung Hải và Châu Âu đã báo hiệu sự phục hồi, việc thiếu hỗ trợ từ chi phí vẫn khiến triển vọng còn kém lạc quan. Thời tiết ấm hơn thúc đẩy nhu cầu tốt hơn một chút ở Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, doanh nghiệp khá lạc quan về nhu cầu nhựa PET. Sức mua đã được cải thiện tương đối nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Giá FOB Trung Quốc giảm xuống còn 650-700 USD/tấn.
Lệnh phong tỏa kéo dài tiếp tục gây áp lực lên Đông Nam Á. Giá chào chai PET từ Trung Quốc gần ngưỡng 650 USD/tấn CIF, Đông Nam Á.
Nhập khẩu hàng hóa PET phải đối mặt với sức mua yếu ở Châu Âu. Khu vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 kể từ tháng 3/2020.
Dữ liệu từ Thống kê nhập khẩu của Trung Quốc cho biết, nhập khẩu PE của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2020 giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 3,8 triệu tấn, con số thấp nhất từ Quý IV năm 2018.
Nhu cầu PE Trung Quốc giảm trong quý 1/2020 mặc dù có tín hiệu tích cực trong tháng 3/2020
Thị trường Trung Quốc đã báo hiệu một số sự tích cực trong tháng 3/2020 do bắt đầu lệnh nới lỏng sau hai tháng thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt được thực hiện chống lại sự bùng phát dịch COVID-19. Kết thúc phong toả cũng như sự phục hồi nhẹ PMI do sản lượng công nghiệp được cải thiện.
Tuy nhiên, dữ liệu thống kê cho thấy sức mua các loại PE Trung Quốc trong năm nay, ba tháng đầu năm yếu hơn mặc dù các yếu tố hỗ trợ nói trên đã xuất hiện.
Tổng lượng nhập khẩu HDPE của cả nước trong quý 1/2020 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 1,9 triệu tấn. Ả Rập Saudi là nhà cung cấp HDPE hàng đầu cho Trung Quốc với khoảng 484 nghìn tấn.
Các mặt hàng nhập khẩu LLDPE của Trung Quốc trong quý 1 giảm gần 9% so với cùng kỳ năm 2019, đạt hơn 1,2 triệu tấn. Ả Rập Saudi là nhà cung cấp LLDPE hàng đầu cho Trung Quốc với khoảng 262 nghìn tấn.
Nhập khẩu LDPE của Trung Quốc giảm 5% trong quý 1/2020, đạt 738 nghìn tấn. Iran là nhà cung cấp lớn nhất mặt hàng này cho Trung Quốc, đạt 183 nghìn tấn.
Phaata (Nguồn: Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ công thương)